Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Tư vấn pháp luật ly hôn, những điểm mới

Những vấn đề liên quan đến vụ án ly hôn như thủ tục ly hôn, phân chia tài sản, quyền nuôi con và cấp dưỡng,… luôn có trở ngại nhất định khiến cho cả vợ chồng và cả người luật sư uy tín khó lòng đưa ra lý lẽ để giải quyết. Chính vì thế mà Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã có nhiều điểm thay đổi, bổ sung đáng kể so với bộ luật được ban hành năm 2000 trong pháp định về các vụ án ly hôn.

Xin làm thủ tục ly hôn giùm người thân

Thông thường chỉ có vợ, chồng hoặc cả hai người mới có quyền yêu cầu tòa giải quyết vụ án ly hôn như trước đây thì kể từ nay, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ (Điều 51).
Với sự thay đổi trong quy định này, nhiều trường hợp khúc mắc, bức xúc đã được tháo gỡ muốn xin ly hôn giùm người thân bị mất năng lực hành vi mà không được do luật cũ chỉ quy định việc ly hôn phải do chính đương sự là vợ hoặc chồng yêu cầu. Trong khi họ lại bị mất năng lực hành vi dân sự dẫn đến không có năng lực hành vi tố tụng dân sự để xin ly hôn.

Bạo hành gia đình, một trong những căn cứ để tiến hành vụ án ly hôn

Điều 56 đã có quy định về đơn phương ly hôn như sau: khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành thì tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Thông qua đó, có thể nhận thấy rõ rằng luật mới quy định rất rõ “bạo lực gia đình” là căn cứ để giải quyết cho ly hôn; còn đối với những vi phạm khác, những mâu thuẫn, xung đột, bất đồng,… trong đời sống vợ chồng, thì phải có cơ sở nhận định chung rằng tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì mới giải quyết trong các vụ án ly hôn.

Độ tuổi hỏi ý kiến sống chung của trẻ trong vụ án ly hôn

Trong các vụ án ly hôn, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn có sự thay đổi so với luật cũ. Cụ thể là vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con (trong khi luật cũ quy định nếu con từ đủ chín tuổi trở lên).

Xem xét yếu tố lỗi để phân định tài sản trong các vụ án ly hôn

Khi chia tài sản trong các vụ án ly hôn theo pháp luật thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, nhưng có tính đến các yếu tố - trong đó có điểm mới là căn cứ vào yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (Điều 59 quy định).
Đối với các trường hợp một bên vợ, chồng không chăm lo làm ăn, cố tình phá tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, hút sách, gây nợ nần,… có hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ một vợ một tín, danh dự, nhân phẩm,… sẽ được tòa án xem xét trong việc phân chia tài sản, theo hướng người nào có lỗi, lỗi nhiều hơn sẽ nhận được tài sản ít hơn. Điều này giúp bảo đảm sự công bằng đối với người chuyên tâm lo làm ăn xây dựng gia đình, góp phần phòng ngừa vi phạm pháp luật về Hôn nhân và gia đình.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét