Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Hướng dẫn ghi và mã hóa ngành, nghề trong đăng ký thành lập doanh nghiệp

Trong nền kinh tế nói chung có rất nhiều ngành, nghề khác nhau, mỗi lĩnh vực đều có một vị trí riêng để phát triển. Sự chênh lệch giữa  cung cầu thị trường ngày càng lớn là cơ hội “béo bở” để thành lập doanh nghiệp mới. Thành lập doanh nghiệp không đơn giản chỉ là cần một địa điểm, vài nhân viên và một tấm bảng hiệu là xong. Bên cạnh việc chuẩn bị hoàn tất cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân lực thì các bước thực hiện để hoàn tất thủ tục đúng quy định của pháp luật cũng được đặt tầm quan trọng lên hàng đầu.
Hướng dẫn ghi và mã hóa ngành nghề trong đăng ký thành lập doanh nghiệp dưới đây sẽ mang đến những thông tin cần thiết cho các cá nhân, tổ chức đang và sẽ chuẩn bị thành lập doanh nghiệp.

Đăng ký ngành, nghề khi thành lập doanh nghiệp

Ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp được ghi trên cơ sở ngành, nghề kinh doanh do doanh nghiệp đăng ký trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đó kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Ghi ngành nghề trong Giấy đăng ký và Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp


1. Việc ghi ngành, nghề kinh doanh trong đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký thành lập doanh nghiệp, Điều 1 Nghị định số 05/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thủ tục hành chính của Nghị định số 43/2010/NĐ-CP, Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và Quyết định số 337/2007/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.
2. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải đảm bảo ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi ngành, nghề chi tiết đã ghi.

Việc ghi đúng và mã hóa chính xác ngành nghề trong đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ giúp cho các cá nhân, tổ chức thành lập doanh nghiệp sau này tránh phải các vướng mắc pháp luật ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh của đơn vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét