Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Tranh chấp đất đai và các loại tranh chấp đất đai

Từ xưa đến nay, đất đai vốn luôn là tư liệu sản xuất cực kỳ quan trọng trong đời sống xã hội của con người. Chính vì giá trị đặc biệt của đất đai rất to lớn nên những tranh chấp liên quan đến vấn đề này phát sinh một cách phổ biến. Việc giải quyết thỏa đáng về tranh chấp đất đai sẽ giúp cho các bên giải quyết những mâu thuẫn, xung đột, qua đó góp phần tạo ra sự ổn định cho xã hội.

Khái niệm và các dạng tranh chấp đất đai

Theo Khoản 24/ Điều 3/ Luật Đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Lưu ý: đối tượng của tranh chấp đất đai không phải là quyền sở hữu đất, cũng như các chủ thể tham gia tranh chấp không phải là các chủ thể có quyền sở hữu đối với đất. Điều 53 Hiến pháp 2013 hay điều 4 của Luật đất đai 2013 quy định rất rõ đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Trên thực tế, hiện nay tranh chấp đất đai không chỉ là hiện tượng phổ biến mà trong đó còn hết sức đa dạng về chủ thể cũng như nội dung tranh chấp. Về cơ bản tranh chấp đất đai được chia thành ba dạng như sau:

  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất: đây là những tranh chấp giữa các bên với nhau về việc ai có quyền sử dụng hợp pháp đối với một mảnh đất nào đó. Ở dạng tranh chấp này chúng ta thường gặp các loại tranh chấp về ranh giới đất hay tranh chấp về quyền sử dụng đất, hay tài sản gắn liền với đất trong các quan hệ ly hôn hoặc thừa kế. Ngoài ra còn tranh chấp để đòi lại đất (đất đã cho người khác mượn sử dụng mà không trả lại hoặc tranh chấp giữa người dân tộc thiểu số với người đi xây dựng vùng kinh tế mới…)
  • Tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất: loại này thường xảy ra khi các chủ thể có những giao dịch dân sự về quyền sử dụng đất hoặc các tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…
  • Tranh chấp về mục đích sử dụng đất: là dạng tranh chấp ít gặp hơn, các tranh chấp này liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì. Loại tranh chấp này cũng dễ có cơ sở để giải quyết vì trong quá trình phân bổ đất đai cho các chủ thể sử dụng Nhà nước đã xác định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất. Loại này chủ yếu do người sử dụng đất sử dụng sai mục đích so với khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất.
Tóm lại, khái niệm giải quyết tranh chấp đất đai được lý giải như sau: “giải quyết tranh chấp đất đai là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên để tìm ra các giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ đất đai”.
  • Việc giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay phải đảm bảo 3 nguyên tắc sau:
  • Thứ nhất, đó là luôn đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
  • Thứ hai, phải bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất nhất là lợi ích kinh tế hoặc khuyến khích tự hòa giải trong nội bộ nhân dân.
  • Thứ ba là việc giải quyết nhằm mục đích ổn định kinh tế, xã hội gắn với phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, đồng thời tạo điều kiện cho lao động có việc làm phù hợp với đặc điểm và quy hoạch của từng địa phương.
Để biết thêm thông tin về các cách giải quyết tranh chấp đất đai. Liên hệ ngay với Công ty luật The Light để đươc các luật sư giỏi của chúng tôi hỗ trợ một cách tốt nhất cho thân chủ theo từng trường hợp. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét